BÀN VỀ HẠNH PHÚC – TS. Trần Việt Dũng

Sunshine xin chia sẻ bài viết của Tiến sĩ Trần Việt Dũng, thầy là cố vấn trong việc ứng dụng sáng tạo học trong giáo dục, là người có ảnh hưởng trong việc hoàn thiện môi trường học tập hạnh phúc – sáng tạo tại Sunshine.
Sau khi chỉnh sửa, Việt Dũng xin gửi tặng (lại) Quý vị một bài viết về hạnh phúc, phần nào giúp cho Quý vị có “một ly nước mát trong ngày hè oi ả”. Kính chúc Quý vị luôn vui vẻ, hạnh phúc. ( – Trần Việt Dũng – )
HẠNH PHÚC LÀ CÙNG ĐÍCH:
Cuộc sống hạnh phúc là nhu cầu, ước mơ của chúng ta từ bao đời nay. Aristốt – một bách khoa toàn thư của Hy Lạp cổ đại đã nói rằng: Hạnh phúc là ý nghĩa và mục tiêu của cuộc sống, là toàn bộ cùng đích của cuộc đời con người. Có thể nói, hầu như ai cũng muốn có cuộc sống sung sướng hạnh phúc, nên lý giải vấn đề “Hạnh phúc là gì” và “Làm cách nào để hạnh phúc” có ý nghĩa rất quan trọng.
Hanhphuc Phillip9x 2edu Tranvietdung
HẠNH PHÚC ĐƯỢC HIỂU RẤT KHÁC NHAU:
Có nhiều quan niệm khác nhau về hạnh phúc. có quan điểm cho rằng hạnh phúc là sự thỏa mãn dục vọng trực tiếp của cá nhân (của CN khoái lạc vị kỷ Hy Lạp thế kỷ IV TCN). Ngược lại, chủ nghĩa khổ hạnh tôn giáo ở Ấn Độ cổ đại lại quan niệm để đạt được sự bất tử và hạnh phúc vĩnh cửu cho linh hồn cá nhân thì người tu hành cần từ bỏ ham muốn dục vọng đời thường, sống một cuộc sống khắc khổ. Đối với nhà duy vật Đêmôcrit, hạnh phúc là sự yên tĩnh và thanh thản trong tâm hồn. Tar Ben – Shahar – giáo sư của đại học Harvard định nghĩa: “Hạnh phúc là trải nghiệm niềm vui và ý nghĩa trọn vẹn” …
HẠNH PHÚC LÀ…:
Trước hết, theo người viết, hạnh phúc không phải là những điều ta nghĩ mà là trạng thái của tâm hồn. Ta cảm thấy rất vui khi được giải thưởng; ta cảm thấy sung sướng khi ở bên cạnh người yêu; ta cảm thấy hài lòng, mãn nguyện về cuộc sống hiện thời hay đã qua.
Nếu hạnh phúc là tiếng cười đơn thuần thì chỉ cần cù vào nách là được hạnh phúc. Nếu hạnh phúc chỉ là khoái cảm thể xác đơn thuần thì những kẻ phạm tội hiếp dâm cũng được hạnh phúc. Không! đó chỉ là tiếng cười nhạt nhẽo vô vị; là khoái cảm thú tính đầy tội lỗi. Theo tác giả, hạnh phúc là trạng thái tinh thần tích cực ở mức cao có ý nghĩa trọn vẹn mang tính nhân văn, phản ánh, biểu hiện giá trị lớn mà chủ thể có được.
Ta có thể bắt gặp giây phút hạnh phúc của vận động viên khi đạt giải quán quân, của nhà khoa học khi phát minh ra định luật, của bà mẹ đón con trai khải hoàn từ chiến trận trở về, hay cảm giác thăng hoa phiêu bồng của đôi uyên ương bên hồ nước trong xanh. Và ta có thể chứng nhận cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ với những nụ cười nho nhỏ hàng ngày, những bữa cơm đầm ấm trong gia đình, những lời tâm sự lúc đêm khuya…
Trạng thái tinh thần tích cực ở mức cao có nghĩa là độ mạnh hay yếu của những rung cảm tinh thần (tích cực). Cường độ càng mạnh biểu hiện ở chỗ ta cảm nhận thấy càng thú vị, càng tuyệt vời, thậm chí xẩy ra chuyện hạnh phúc đến mức “khóc òa”. Một dấu hiệu để ta nhận biết đó là nếu là niềm vui thông thường thì chúng ta sẽ quên đi, không để lại ấn tượng, kỷ niệm trong kí ức, nhưng đối với niềm vui hạnh phúc thì sau một thời gian ta vẫn lưu lại trong kí ức như một kỉ niệm đẹp đẽ, ấn tượng, muốn sống lại những giây phút đó, và thường cảm thấy vui khi ôn lại. Do vậy, niềm vui hạnh phúc phân biệt với niềm vui thông thường ở cường độ rung cảm lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, niềm vui nhỏ hàng ngày, qua năm tháng “tích tiểu thành đại” không có “tai họa ập đến”, cùng với giây phút thăng hoa thì lại là cu thì lại là có sự thay đổi về chất: cuộc sống hạnh phúc.
Hạnh phúc là trạng thái tinh thần tích cực ở mức cao nhưng phải có ý nghĩa trọn vẹn điều nay phân biệt với những khoái cảm, sung sướng của thể xác đơn thuần không trọn vẹn (pha lẫn sự lo âu, hối hận…).
Hạnh phúc mang tính nhân văn. Không có hạnh phúc của riêng tôi mà chỉ có hạnh phúc của chúng tôi. Điều đem lại hạnh phúc cho người này thì cũng đem lại hạnh phúc hoặc niềm vui cho người khác. Một huy chương vàng quốc tế của cá nhân là niềm vui chung của dân tộc. Không ai có cuộc sống hạnh phúc nếu người thân nhất của họ đang đau khổ. Một thủ tướng chân chính không thể hạnh phúc nếu đa phần người dân của họ sống trong cảnh nghèo nàn, bất an.
Khi bạn cho rằng bản thân không thể hạnh phúc thì bạn đã một phần đánh mất cơ hội để được hạnh phúc. Tạo hóa không giành riêng cơ hội hạnh phúc cho những người giàu có, quyền quí mà cơ hội hạnh phúc được chia đều cho tất cả mọi người không phân biệt giới tính, lứa tuổi, tín ngưỡng, trình độ nhận thức. Niềm vui, hạnh phúc không phải là một đóa hoa ảo tưởng, không phải ở một miền đất hứa xa xôi, mà hạnh phúc như là trái quả của cây dân dã được mọc lên, được nuôi dưỡng từ mảnh đất của cuộc sống sinh động, bình dị.
Hạnh phúc là trạng thái tinh thần tốt đẹp nhất, cao quí nhất, xứng đáng là nhu cầu, khát vọng của tất cả chúng ta từ cổ chí kim. Bằng những con đường và mức độ khác nhau, hạnh phúc đã, đang và sẽ là mục đích, lẽ sống chung cho tất cả mọi tầng lớp trong xã hội. Cho nên, hạnh phúc của người dân đạt ở mức nào là thước đo đánh giá vai trò của Nhà nước đối với xã hội, chứ không phải GDP. Một chính phủ kiến tạo là một chính phủ với những giải pháp sáng tạo không chỉ hoàn thiện bản thân mình mà còn đưa ra những biện pháp mới giúp ngày càng nâng cao hạnh phúc của người dân. Người dân không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng. Quốc gia không sợ yếu chỉ sợ không tập hợp được sức dân. Thà có một cuộc sống bình an, vui vẻ, khỏe mạnh hơn là một cuộc sống vật chất dư dả nhưng đầy lo âu, căng thẳng và buồn bã.
HẠNH PHÚC CHỊU SỰ CHI PHỐI BỞI NHỮNG NHÂN TỐ NÀO?
Từ những nghiên cứu của tác giả, có những nhân tố sau ảnh hưởng,quy định hạnh phúc.
Một là, những đối tượng tác động lên tinh thần chúng ta.
– Đối tượng tác động từ bên trong: chính là cơ thể sinh học của mỗi cá nhân. Một cơ thể khỏe mạnh hay ốm yếu nó ảnh hưởng trực tiếp chất lượng cuộc sống, đến tuổi thọ của con người. Sức khỏe là yếu tố quan trọng của hạnh phúc. Không ai sung sướng khi cơ thể đau ốm. Nên, trong một cơ thể khỏe mạnh là một tinh thần minh mẫn, thoải mái, là cơ sở tự nhiên sinh học của niềm vui và hạnh phúc.
– Đối tượng tác động từ bên ngoài như:
+ Khí hậu, môi trường tự nhiên xung quanh là những đối tượng tác động thường xuyên lên tinh thần. Khí hậu quá nóng hay quá lạnh có thể làm tinh thần ta khổ sở (nếu không có biện pháp khắc phục). Môi trường tự nhiên bị ô nhiễm khí độc, tiếng ồn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đến thể trạng tinh thần của ta. Nên, khí hậu ôn hòa, môi trường trong lành là điều kiện tự nhiên lí tưởng cho niềm vui và hạnh phúc được “nở hoa” trong cộng đồng xã hội.
+ Của cải vật chất có sự ảnh hưởng trực tiếp tới hạnh phúc.
Việc ta được hay mất vàng bạc làm ta vui hay buồn. Ở nhà lầu, đi xe hơi làm ta thoải mái dễ chịu, ở nhà tranh, đi xe đạp ọc ạch có thể làm ta khó chịu, không thoải mái… Tuy nhiên, của cải vật chất không phải là yếu tố quyết định hạnh phúc của chúng ta, hạnh phúc của chúng ta chủ yếu nằm ở giá trị tinh thần. Nhưng đời sống vật chất là điều kiện, là công cụ, phương tiện để đạt giá trị tinh thần. Nhà tâm lý học David Myers người Mỹ đã phát hiện ra rằng: giữa của cải vật chất và hạnh phúc có mối tương quan không đáng kể, chỉ trừ trường hợp những người quá nghèo đến nỗi thiếu thốn cả những nhu cầu cơ bản. Chẳng hạn, Bhutan – quốc gia nằm trong lục địa Nam Á tuy có nền kinh tế được xếp vào hạng thấp trên thế giới nhưng lại là một trong những quốc gia mà người dân có cuộc sống hạnh phúc nhất thế giới.
Tiền của không tự nhiên có mà cần phải tìm kiếm. Nhưng, khát vọng kiếm thật nhiều tiền sẽ dẫn đến khả năng hy sinh những cơ hội có được những niềm vui và hạnh phúc trong gia đình, bạn bè; có thể dẫn đến việc bất chấp sức khỏe, sự an toàn bản thân, thậm chí vi phạm chuẩn mực đạo đức, luật pháp để kiếm tiền trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, lo âu.
+ Những đối tượng trong đời sống tinh thần có ảnh hưởng trực tiếp, không nhỏ đến hạnh phúc. Đọc một tiểu thuyết hay, tìm ra chân lý, nhận một bó hoa làm ta vui vẻ, hạnh phúc. Một lời khen, ca tụng hay một lời phê bình, nhục mạ làm ta vui mừng, tự hào hay làm ta xấu hổ, tức giận…
Những giá trị trong đời sống tình cảm, trong hoạt động sáng tạo khoa học – công nghệ, nghệ thuật là suối nguồn của niềm vui và hạnh phúc có tính vô tận. Nếu như trong đời sống vật chất chúng ta khó và không thể biến đồng thành vàng, biến viên đá thành viên kim cương thì trong đời sống tinh thần chúng ta có thể biến thù hận thành tình bạn, biến tình bạn thành tình yêu, biến sự đau khổ thành hạnh phúc.
Có thể nói tri thức cho chúng ta hiểu biết, tiền bạc cho chúng ta sự ấm no, nhưng tình thương yêu giữa người với người mới thực sự chắp đôi cánh cho chúng ta vượt lên trên loài vật về đẳng cấp tồn tại. Tình thương yêu tạo nên sức mạnh vĩ đại: Nó cứng hơn kim cương, sâu hơn vực thẳm, cao hơn bầu trời và đẹp hơn mọi loài hoa. Tình yêu thương tạo nên động lực to lớn để con người vượt qua mọi khó khăn gian khổ, nhờ nó mà người này có thể sống hay hy sinh vì người khác, vì cộng đồng; là nguồn suối lớn nhất của hạnh phúc.
Hai là, nhu cầu của cá nhân (cùng với mức độ dồn nén của nhu cầu)
Nhu cầu cùng với mức độ dồn nén nhu cầu của cá nhân đối với đối tượng càng lớn thì bản thân đối tượng đó càng giá trị và khi đạt được thì cá nhân đó rất vui, hạnh phúc.
Hãy đem nước cho người đang chết khát, đem thức ăn cho người đang bị đói, đem lời giải cho người đang bế tắc, đem sắc đẹp cho một cô gái và đem hy vọng đến cho người sắp thất bại. Có thể đánh giá được nhân cách của một người từ những nhu cầu của người đó. Khát vọng, ước mơ của một người tạo nền tảng tâm hồn của người ấy. Có thể đánh giá được tiến bộ xã hội khi giá trị mà xã hội đó đề cao. Đề cao đạo đức thì người người muốn làm điều tốt, coi trọng của cải thì xã hội chạy theo đồng tiền. Chạy theo đồng tiền thì sẽ bị đồng tiền chi phối. Một khi đồng tiền chi phối thì tự do, bình đẳng, bác ái dễ trở thành công cụ.
Khi nhu cầu bị dồn nén được thỏa mãn thì sao? Nhận được bông hoa từ người ta thầm yêu thì vui hơn nhiều khi nhận được một bó hoa từ người mà ta không yêu. Đối với một người đang sắp chết đuối thì một cái phao có giá trị hơn một kho vàng. Bạn rất khát khao một tình yêu, khi tình yêu đến Bạn sẽ rất hạnh phúc, nhưng tình yêu đi Bạn sẽ rất đau khổ. Người tài giỏi nhận được lời khen về thành tích thì chỉ vui mừng, cùng là lời khen ấy, người yếu kém nhận được sau một quá trình cố gắng nỗ lực phi thường mới đạt thành tích, thì đó là niềm vui hạnh phúc ngập tràn.
Ba là, quan điểm (hay thế giới quan) của bạn nhận định về giá trị của đối tượng. Đây là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến hạnh phúc.
Đối tượng chỉ mang lại giá trị thông qua sự nhận biết, đánh giá của ta về nó.
Sự hiện hữu của mỗi người chúng ta là đau khổ hay quí giá tùy thuộc vào quan điểm của bạn. Cái gì giá trị nhất? Đối với người này là tiền bạc, người kia là sức khỏe, người khác có thể coi tình thương yêu của con người là lớn nhất v.v..
Sự phá sản dẫn đến đau khổ của người này nhưng có thể chỉ là sự trải nghiệm của người khác. Việc thăng chức đối với người này là vui mừng, hãnh diện nhưng có thể đối với người khác lại là nỗi lo âu. Nơi đây cái chết nặng tựa núi đá, nơi kia nhẹ tựa lông hồng. Sống là để tận hưởng nên xót xa khi bị đánh mất, sống là để cống hiến nên buồn đau khi chưa giúp được cho đời. Có thể đối với người này một đồng tiền vàng có giá trị hơn một sinh mạng, nhưng đối với đa phần người khác một vạn đồng tiền vàng không mua được một sinh mạng.
Khi nào mà bạn đạt đến mức coi sống cũng như chết, được cũng như mất, may mắn cũng như rủi ro, an toàn cũng như hiểm nguy thì bạn đã làm chủ được chính bạn, làm chủ cuộc sống: với một cuộc sống luôn an nhiên, an lạc.
Cho nên, có thể nói, bạn giàu hay nghèo, thọ hay yểu, thành công hay thất bại không phải là cái quyết định bạn vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ mà chính sự đánh giá của bạn về chúng mới quyết định.
Bốn là, mức độ tác động, xâm nhập của tinh thần vào đối tượng.
Khi đang buồn phiền, đau khổ, ta đi làm việc khác và công việc mới này làm ta bớt buồn phiền đau khổ. Nhớ đến thất bại làm ta buồn rầu, hồi tưởng lại thành công làm ta phấn chấn. Nhắc lại niềm vui lại càng vui hơn, gợi lại nỗi buồn lại càng buồn thêm.
Chúng ta hãy cảm nhận vẻ đẹp của ánh sáng ban mai, của những bông hoa trong vườn, của nụ cười thân thiện, của lời quan tâm chân thành như chúng ta ngậm một viên kẹo, càng ngậm sẽ càng cảm thấy ngọt ngào, thú vị. Hạnh phúc không phải là thứ quí giá chỉ ít người có được mà hạnh phúc ở xung quanh bạn miễn là bạn mở rộng tâm hồn, tĩnh lặng, cảm nhận những giá trị nằm ở bên trong những thứ bình dị của cuộc sống.
Năm là, sự cảm nhận ban đầu, thái độ của chủ thể về đối tượng cũng ảnh hưởng phần nào đến trạng thái tinh thần.
Có quan điểm cho rằng: nỗi sợ mất mát tạo ra sự mất mát thực sự, cảm giác không xứng đáng có hạnh phúc dẫn đến nỗi bất hạnh thực sự. Nhiều khi, sự cảm nhận ban đầu, thái độ của chúng ta đối với sự vật, sự kiện trước khi chúng tác động đã ảnh hưởng, qui định đến trạng thái tinh thần khi nó tác động. Người ta sợ cái chết không hẳn là bản thân cái chết xảy đến mà người ta nghĩ rằng cái chết thật đáng sợ. Khi ta định kiến một người là tốt thì khi tiếp xúc hành vi tốt của người đó được nâng lên; hành vi xấu của người ấy được giảm đi.
Nếu ta tin rằng sẽ thành công chúng ta dễ thành công hơn, ta sợ rằng sẽ thất bại thì thất bại đến dễ dàng hơn. Người lạc quan, yêu đời là người dễ tìm được niềm vui và hạnh phúc, còn người bi quan, chán nản thì thấy sự buồn phiền ở mọi nơi. Nên, khi ta mỉm cười với cuộc sống thì cuộc đời sẽ mỉm cười với ta.
Sáu là, tính cách của cá nhân ảnh hưởng gián tiếp đến mức độ hạnh phúc.
Người làm chủ bản thân làm cho tinh thần bình tĩnh sáng suốt, nhận rõ chân – giả, kiềm chế được những dục vọng, thì thường dễ đạt được cuộc sống thành công, hạnh phúc. Còn người không làm chủ bản thân, hay để xảy ra những sai phạm, lỗi lầm ngoài ý muốn, bị dục vọng chi phối, thì thường có cuộc sống bất hạnh v.v..
Người có lòng nhân ái, sự bao dung, rộng lượng là những người dễ dàng xác lập được tình cảm, chiếm được tình cảm trong các quan hệ xã hội, do vậy có được nhiều niềm vui và hạnh phúc do có được giá trị tinh thần, hơn nữa sự bao dung, rộng lượng làm cho những giá trị khi bị tổn thất sẽ không lớn, chẳng hạn, khi bị ai đó xúc phạm thì nối bực dọc, tức giận không duy trì lâu.
Ngược lại, những người độc ác, tham lam, ích kỷ, hẹp hòi, thù dai, bi quan, không làm chủ bản thân, thiếu ý chí, lười biếng… là những người có thể làm giảm những giá trị đáng nhẽ đạt được cao hơn, dễ làm mất giá trị hoặc làm tăng những giá trị bị tổn thất, hoặc khó đạt được những giá trị trong cuộc sống.
Bởi, người bi quan luôn mất niềm tin, hay bỏ lỡ cơ hội, thấy cái thất bại ở mọi nơi; Người không làm chủ bản thân dễ dẫn đến những sai phạm, những lỗi lầm ngoài ý muốn, bị dục vọng chi phối dễ dẫn đến phạm tội chịu hậu quả xấu; Người độc ác với những hành vi tàn nhẫn là đấu mối dẫn đến những hận thù, oán trách của nạn nhân gây nên sự lo âu, sợ hãi, căng thẳng và dễ có kết quả không tốt đẹp; người tham lam, ích kỷ, do quá coi trọng đến lợi ích vật chất, đến lợi ích của bản thân nên dễ phạm lỗi lầm, dễ gây tổn thương đến quan hệ tình cảm trong xã hội nên dễ gây tổn thất về giá trị tinh thần; người hẹp hòi, thù dai sẽ làm tăng lượng giá trị bị tổn thất đáng nhẽ sự tổn thất ở mức thấp hơn nhiều. chẳng hạn, vì hẹp hòi, thù dai nên nếu ai phê bình thì trở nên căm tức, nuôi dưỡng nỗi đau để trả thù; Người thiếu ý chí, lười biếng là người dễ thất bại trong công việc, trong kế hoạch, trong cuộc sống nói chung và do vậy chịu hậu quả là tổn thất giá trị hoặc không xây dựng được giá trị.
Như vậy, có 6 nhân tố ảnh hưởng đến hạnh phúc của con người, trong đó nhân tố thứ 3 có ảnh hưởng lớn hơn cả.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ HẠNH PHÚC? – MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Mỗi đứa trẻ sinh ra không ai lựa chọn được cha mẹ – sự lựa chọn dòng giống, không ai lựa chọn được quê hương – sự lựa chọn văn hóa, nhưng từ sự ảnh hưởng, qui định đó mỗi người vẫn còn “khoảng trống” nhất định để chủ động tạo nên số phận của mình. Vận dụng những điều sau sẽ làm cho cuộc sống hạnh phúc hơn.
  1.  Hãy để cho tâm hồn tĩnh lặng, rèn luyện làm chủ bản thân.
  2.  Xác định cho mình một mục đích, một ước mơ có ý nghĩa, có giá trị nhân văn.
  3.  Quan tâm, giúp đỡ mọi người trong điều kiện cho phép, hãy rộng lượng, khoan dung với những lỗi lầm của người khác.
  4.  Hãy dành thời gian để thực hiện những công việc mang lại niềm vui và ý nghĩa…
  5.  Dành thời gian mỗi ngày để tập thể dục, thể thao, tốt nhất là tập cùng người thân thích, theo nhóm bạn, theo câu lạc bộ.
  6.  Nếu là giới trẻ hãy xây dựng một tình yêu đích thực trong sáng, một tình yêu đi từ tình bạn thân thiết.
  7.  Khi gặp người quen hãy chủ động mỉm cười, cởi mở chủ động xã giao.
  8.  Lao động, học tập một cách nhiệt tình, tận tâm (phù hợp với từng độ tuổi), chu đáo, luôn tìm tòi sáng tạo, khai thác niềm vui, thú vị ở đó.
  9.  Cuối cùng hãy lên kế hoạch xác định, phấn đấu, xây dựng những thứ quan trọng, có tính chất nền tảng của cuộc sống hạnh phúc, đó là: 1/ sức khỏe đảm bảo, 2/ một tình yêu đích thực, 3/ một gia đình êm ấm hòa thuận, 4/ một công việc phù hợp với thế mạnh, có thu nhập đảm bảo, 5/ một tinh thần tự chủ, bình tĩnh, có ý chí, 6/ có lòng nhân ái, bao dung và 7/ có mục đích sống nhân văn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] David Niven, Ph.D, Bí mật của hạnh phúc, Biên dịch: Nguyễn Văn Phước – Tâm Hằng – Phương Anh, Nhà xuất bản Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, năm 2008.
[2] Rick Foster and Greg Hicks, Đi tìm hạnh phúc cuộc sống, Biên dịch: Nguyễn Văn Phước – Nhã Khanh – Tâm Hằng – Ngọc Hân, Nhà xuất bản Tổng hợp, Tp.HCM, năm 2008.
[3] Tal Ben – Shahar, Ph.D, Hạnh phúc hơn, Người dịch: Ts. Dương Ngọc Dũng, Nhà xuất bản Tổng hợp Tp.HCM, năm 2009.
[4] Sumuel Enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, Biên dịch: Đỗ Văn Tuấn – Lưu Văn Hy, Nxb Lao động, Hà Nội, năm 2004.
[5] Trần Hậu Kiêm (chủ biên), Giáo trình đạo đức học, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, năm 1996
TÁC GIẢ

Hanhphuc Tranvietdung 2edu Phillip9x Bimatcuahanhphuc Sangtao

Tiến sĩ Trần Việt Dũng

  • Giảng Viên Chính (Đại học)
  • Kỷ lục gia Việt Nam
  • Tác giả sách
  • Liên hệ: facebook.com/vietdung.tran.184

 

 

 

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *